Lịch sử
Nước Ý, còn gọi là Italia (tiếng Ý: Italia; phát âm: I-ta-li-a), quốc danh hiện tại là Cộng hoà Ý (tiếng Ý: Repubblica Italiana, còn dịch là Cộng hoà Italia), nằm ở Bán đảo Ý phía Nam Châu Âu, và trên hai hòn đảo lớn nhất tại Địa Trung Hải, Sicilia vàSardegna. Ý có chung biên giới phía bắc là dãy Alpine với Pháp, Thuỵ Sĩ, Áo và Slovenia. Các quốc gia độc lập San Marino và Thành Vatican là những lãnh thổ nằm gọn bên trong bán đảo Ý, còn Campione d'Italia lại là một vùng đất của Ý nằm trong lãnh thổ Thuỵ Sĩ.
Ý từng là nơi xuất phát của nhiều nền văn hoá Châu Âu, như Etruscan và La Mã, và sau này cũng là nơi sản sinh ra phong trào Phục hưng Ý. Thủ đô Roma của Ý từng là trung tâm của nền Văn minh phương Tây, và là trung tâm của Giáo hội Công giáo La Mã.
Ngày nay, Ý là một nền cộng hoà dân chủ, và là một quốc gia phát triển với GDP đứng hàng thứ 7 và thứ 20 về Chỉ số phát triển con người của thế giới. Nước này là một thành viên sáng lập của tổ chức tiền thân Liên minh Châu Âu ngày nay (đã ký kết Hiệp ước Roma năm 1957), và cũng là một thành viên của G8, Hội đồng Châu Âu, Liên minh Tây Âu, và tổ chức Sáng kiến Trung Âu. Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2007, Ý đã trở thành một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Đồng thời, Ý cũng được coi là một cường quốc.
Danh xưng "Ý Đại Lợi" và giản xưng của nó là "Ý" trong tiếng Việt bắt nguồn từ "意大利", dịch danh Trung văn của quốc hiệu nước Ý (Italia). Nguồn gốc và ý nghĩa của thuật ngữ "Italia" là không chắc chắn. Theo một trong những cách giải thích thường thấy, thuật ngữ này được lấy từ Hy Lạp, từ Oscan Víteliú, có nghĩa "vùng đất của gia súc" (cần nhớ, từ tiếng Romanian chỉ gia súc là vite) và được đặt cho vị thánh của gia súc, Ares. Con bò là một biểu tượng của các bộ tộc miền nam Italia và thường được thể hiện đang húc con chó soi La Mã như một biểu tượng bất khuất của Italia tự do trong Các cuộc chiến tranh Samnite.
Cái tên Italia được dùng cho một phần của vùng hiện là phía nam Ý. Theo Antiochus xứ Syracuse, ban đầu nó chỉ chỉ vùng phía nam của bán đảo Bruttium (Calabria hiện nay), nhưng ở thời ông Oenotria và Ý đã trở thành từ đồng nghĩa, và cái tên này cũng được dùng để gọi hầu hết vùng Lucania. Người Hy Lạp dần sử dụng cái tên "Italia" cho một vùng đất rộng lớn hơn, nhưng chỉ tới thời các cuộc chinh phục của La Mã thì thuật ngữ này mới mở rộng để chỉ toàn bộ bán đảo.
Địa hình
Ý là một bán đảo dài hình chiếc ủng, được bao quanh ở phía tây bởi Biển Tyrrhenian và phía đông bởi biển Adriatic. Nước này giáp biên giới với Pháp, Thuỵ Sĩ, Áo và Slovenia ở phía bắc. Dãy Alps hình thành nên xương sống của bán đảo này; và cũng là biên giới phía bắc. Vùng phía bắc nhiều hồ với hồ lớn nhất là Garda (143 dặm vuông; 370 km vuông); Po, con sông chính, chảy từ dãy Alps ở biên giới phía tây Ý đi xuyên qua đồng bằng Lombardy vào Biển Adriatic. Nước này cũng sở hữu nhiều hòn đảo; đảo lớn nhất là Sicilia (9.926 dặm vuông; 25.708 km vuông) và Sardinia (9.301 dặm vuông; 24.090 km vuông).
Khí hậu
Khí hậu tại Ý khá đa dạng và có thể khác biệt khá nhiều so với hình mẫu khí hậu Địa Trung Hải và "vùng đất mặt trời", tuỳ thuộc từng địa điểm. Các vùng nội địa phía bắc Ý (Torino, Milano và Bologna) có khí hậu lục địa, trong khi những vùng ven biển Liguria và bán đảo phía nam Firenze có khí hậu Địa Trung Hải. Khí hậu các vùng ven biển của bán đảo có thể rất khác biệt so với vùng nội địa, đặc biệt vào những tháng mùa đông. Những vùng có độ cao lớn nhiệt độ lạnh, ẩm và thường có tuyết. Tại các vùng ven biển, nơi tập trung hầu hết các thành phố lớn, có kiểu khí hậu đặc trưng Địa Trung Hải với mùa đông ôn hoà và mùa hè thường nóng và khô. Thời gian và mức độ khô của mùa hè tăng dần về phía nam (so sánh các bảng của Roma, Napoli và Brindisi).
Giữa phía bắc và phía nam có sự khác biệt khá lớn về nhiệt độ, nhất là vào mùa đông: trong một số ngày mùa đông nhiệt độ có thể xuống còn -2 °C (24 °F) và có tuyết tại Milano, trong khi nó là 12 °C (54 °F) tại Roma và 18 °C (64 °F) tại Palermo. Sự khác biệt nhiệt độ ít thấy hơn vào mùa hè.
Bờ biển phía đông bán đảo không ẩm như khu vực phía tây, nhưng thường có nhiệt độ lạnh hơn trong mùa đông. Khu phía bắc dải bờ biển phía đông Pescara thỉnh thoảng bị ảnh hưởng bởi những cơn gió lạnh bora vào mùa đông và mùa xuân, nhưng tại đây gió yếu hơn vùng quanh Trieste. Trong những đợt gió lạnh này, các thành phố phía đông, đông bắc như Rimini, Ancona, Pescara và toàn bộ khu vực chân núi phía đông dãy Alps có thể phải trải qua những đợt "bão tuyết" thật sự. Thị trấn Fabriano, chỉ ở độ cao 300 mét, có thể thường xuyên có lượng tuyết rơi 0.50-0.60 m trong 24 giờ ở những khoảng thời gian này Mont Blanc (Monte Bianco), núi cao nhất tại Ý và Tây Âu.
Trên dải bờ biển từ Ravenna tới Venezia và Trieste, lượng tuyết rơi khá thấp: trong những đợt gió lạnh từ phía đông, khí lạnh có thể khắc nghiệt nhưng bầu trời vẫn trong sáng; còn, trong những trận tuyết rơi ở phía bắc Ý, bờ biển Adriatic có thể có gió Scirocco ôn hoà hơn biến tuyết thành mưa - những hiệu ứng ôn hoà của loại gió này tưhờng biến mất chỉ vài kilômét bên trong lục địa, và thỉnh thoảng bờ biển từ Venezia tới Grado có tuyết trong khi trời mưa tại Trieste, cửa sông Po và Ravenna. Hiếm khi thành phố Trieste gặp bão tuyết khi có gió đông bắc; trong những mùa đông khắc nghiệt, Phá Venezia, và tại những nơi có nhiệt độ lạnh, mọi người thậm chí có thể đi trên mặt băng.
Mùa hè thường có nhiệt độ ổn định hơn, dù các vùng phía bắc thường có sấm sét vào buổi trưa/chiều và một số ngày âm u và mưa. Vì thế, trong khi phía nam Firenze mùa hè thường khô và có nắng, phía bắc thường ẩm và có nhiều mây. Thời tiết mùa thu và mùa xuân có thể thay đổi rất nhanh, với những tuần ấm áp nhiều nắng (thỉnh thoảng với nhiệt độ như trong mùa hè) bỗng chốc thay đổi sau những trận gió lạnh và tiếp đó là những tuần mưa, nhiều mây.
Số lượng ngày mưa ít nhất và nắng nhiều nhất xuất hiện tại cực nam lục địa và tại Sicilia cùng Sardegna. Ở đây trung bình có từ bốn tới năm giờ nắng trong một ngày mùa đông và lên tới mười hay mười một giờ vào mùa hè. Ở phía bắc lượng mưa phân bố đồng đều trong cả năm, dù mùa hè thường ẩm hơn. Từ tháng 11 tới tháng 3 thung lũng Po thường có sương mù bao phủ, đặc biệt ở vùng trung tâm (Pavia, Cremona và Mantua), tuy số lượng ngày có nhiệt độ dưới 0 °C thường từ 60 tới 90 ngày một năm, với đỉnh điểm có thể lên tới 100-110 ngày chủ yếu tại các vùng nông thôn [2]. Tuyết rơi khá thường xuyên từ đầu tháng 12 tới đầu tháng 3 tại các thành phố như Torino, Milano và Bologna, nhưng thỉnh thoảng cũng có vào cuối tháng 11 hay cuối tháng 3 và thậm chí tháng 4. Vào mùa đông năm 2005-2006, Milano có lượng tuyết rơi khoảng 0.75-0.80 m, Como khoảng 1.00 m, Brescia 0.50 m, Trento 1.60 m, Vicenza 0.45 m, Bologna 0.30 m, và Piacenza 0.80 m.
Nhiệt độ mùa hè thường đồng nhất từ bắc xuống nam. Nhiệt độ tháng 7 là 22-24 °C ở phía bắc sông Po, như tại Milano hay Venezia, and và phía nam sông Po có thể lên tới 24-25 °C như tại Bologna, với ít sấm sét hơn; ở các bờ biển trung tâm và phía nam Ý, và tại các đồng bằng lân cận, nhiệt độ trung bình từ 23 °C tới 27 °C. Nói chung, tháng nóng nhất là tháng 8 ở phía nam và tháng 7 ở phía bắc; trong những tháng này nhiệt độ có thể lên tới 38-42 °C ở phía nam và 32-35 °C ở phía bắc; thỉnh thoảng đất nước có thể chia làm hai khu vực thời tiết riêng biệt như trong mùa đông, với mưa và nền nhiệt độ 20-22 °C ở phía bắc và 30 °C tới 40 °C ở phía nam, nhưng việc có một mùa hè nóng và khô không đồng nghĩa với việc vùng phía nam Ý sẽ không có mưa từ tháng 6 tới tháng 8.
Tháng lạnh nhất là tháng 1: nhiệt độ trung bình tại thung lũng sông P trong khoảng -1 °C và +1 °C, Venezia +2°/+3 °C, Trieste +4 °C, Firenze 5°/6 °C, Roma 7°/8 °C, Napoli 9 °C, Palermo 12 °C. Nhiệt độ thấp nhất trong buổi sáng mùa đông có thể xuống tới -30 °C/-20 °C tại Alps, -14 °C/-8 °C tại thung lũng sông Po, -7 °C tại Firenze, -4 °C tại Roma, -2 °C tại Napoli và 2 °C tại Palermo. Tại các thành phố như Roma và Milano, những hiệu ứng đảo nhiệt mạnh có thể xuất hiện, vì thế bên trong vùng đô thị, mùa đông có thể ôn hoà hơn và mùa hè có thể ngột ngạt hơn.
Trong một số buổi sáng mùa đông nhiệt độ có thể chỉ là -3 °C tại Dome plaza ở Milano trong khi nó là -8°/-9° tại khu vực ngoại vi, ở Torino có thể chỉ -5 °C tại trung tâm thành phố và -10°/-12° tại các vùng ngoại vi. Thông thường, lượng tuyết roi lớn nhất vào tháng 2, thỉnh thoảng vào tháng 1 hay tháng 3; tại dãy Alps, lượng tuyết rơi nhiều vào mùa đông và cả mùa xuân từ độ cao 1500 m trở nên, vì mùa đông thường bắt đầu bằng những tuần lễ lạnh và khô; tuy người dân sống tại dãy Alps thường thấy tuyết rơi hơn trong mùa đông, nhưng họ lại có thời tiết ấm và ít ẩm ướt hơn vào những mùa khác.
Cả hai dãy núi đều có thể có lượng tuyết rơi lên tới 5–10 m trong một năm trên độ cao 2000 m; trên những đỉnh cao nhất dãy Alps, tuyết có thể rơi thậm chí giữa mùa hè êm dịu, và những dòng sông băng cũng xuất hiện.
Nhiệt độ thấp kỷ lục là -45 °C tại Alps, và -29.0 °C gần mực nước biển (ghi nhận vào ngày 12 tháng 1 năm 1985 tại San Pietro Capofiume bởi Bologna), trong khi ở các thành phố phía nam như Catania, Foggia, Lecce hay Alghero đã từng có nhiệt độ lên tới 46 °C vào những mùa hè oi bức.
(Sưu tầm)
Vùng hành chính (Ý)
Hiến pháp Ý năm 1948 đã cho công nhận, bảo hộ và khuyến khích quyền tự chủ theo vùng để đảm bảo rằng các dịch vụ công được cung cấp theo phương thức phân quyền ở mức cao nhất có thể. Tuy nhiên, năm vùng (Friuli-Venezia Giulia, Sardinia, Sicilia, Trentino-Alto Adige/Südtirol, và Aosta Valley) có quyền tự chủ cao hơn 15 vùng khác. Năm vùng này có quyền lập pháp trong một số lĩnh vực. Mười lăm vùng khác chỉ thực sự được thành lập vào năm 1970 khi xu hướng phân quyền được thúc đẩy ở Ý cũng như ở phương Tây.
Hiến pháp sửa đổi năm 2001 trao thêm nhiều quyền tự chủ cho các vùng đặc biệt là quyền lập pháp và giảm đáng kể sự can thiệp của trung ương vào công việc của các vùng.
Mỗi vùng hành chính của Ý có một hội đồng nhân dân được thành lập bằng hình thức bầu cử và có một Giunta Regionale (ủy ban hành pháp khu vực) đứng đầu là một chủ tịch ủy ban được chọn ra bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp. Giunta có trách nhiệm trước hội đồng nhân dân và phải từ chức nếu như không còn được hội đồng này tín nhiệm.